Phẫu thuật nội soi là một phương pháp phổ biến nhất thường được sử dụng để chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung ở mức độ nhẹ đến trung bình. Thay vì sử dụng một đường mổ lớn thì phương pháp này chỉ với một đến hai vết rạch nhỏ để chèn các dụng cụ nội soi. Nhưng phương pháp này có hiệu quả như thế nào? có gây biến chứng gì không….. đây là những câu hỏi thắc mắc được rất nhiều chị em quan tâm.
Những thông tin về phẫu thuật nội soi lạc nội mạc tử cung
1. Mục đích khi bác sĩ đề nghị phẫu thuật nội soi là gì?
Là một cách để quan sát trực tiếp các cơ quan nội tạng bên trong vùng chậu nhằm tìm kiếm, xác định các dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung và đây được xem là biện pháp hữu hiệu để chẩn đoán và giúp loại bỏ các mảnh ghép, mô sẹo do lạc nội mạc gây ra nhằm giảm các triệu chứng đau bụng khi hành kinh hay vô sinh.
2. Thủ tục phẫu thuật nội soi được tiến hành như thế nào?
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn không nên ăn hoặc uống trong ít nhất 8 giờ trước khi tiến hành phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê toàn thân hoặc gây tê cột sống. Tiếp đến bác sĩ sẽ dùng một kim tiêm để bơm khí carbon dioxide hoặc khí oxit nitơ để đẩy thành bụng đi ra xa các cơ quan nhằm giúp bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy rõ hơn bên trong vùng chậu.
Bác sĩ sẽ luồn một dụng cụ gọi là ống nội soi vào bên trong bụng và xương chậu thông qua một vết rạch nhỏ để kiểm tra cơ quan nội tạng bên trong. Sau đó một đầu dò được đưa vào ở vết mổ thứ 2, cho phép các bác sĩ xem trực tiếp trên bề mặt bên ngoài của tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng. Vết rạch có thể được bổ sung để đưa dụng cụ phẫu thuật hoặc các thiết bị để loại bỏ các mảnh ghép lạc nội mạc, các mô sẹo bằng cách phẫu thuật cắt bỏ hay sử dụng tia nhiệt (có thể sử dụng điện nhiệt, tia laser, chùm khí heli). Phương pháp này thường kéo dài từ 30 - 45 phút.
Sau khi phẫu thuật bác sĩ sẽ đóng vết mổ với vài mũi khâu và thông thường các vết mổ này thường ít để lại sẹo, bệnh nhân sẽ nằm lại bệnh viện 1 ngày để theo dõi và được xuất viện sau đó, khoảng hơn 1 tuần thì bệnh nhân có thể hoạt động lại bình thường.
3. Tại sao phải tiến hành phẫu thuật nội soi
Phương pháp này được sử dụng để kiểm tra các cơ quan vùng chậu và loại bỏ các mảnh ghép, các mô sẹo lạc nội mạc. Thủ tục này thường được áp dụng để chẩn đoán và điều trị bệnh khi:
+ Mức độ viêm dính do lạc nội mạc tại các cơ quan trong vùng chậu diễn ra ngày càng nặng.
+ Điều trị lạc nội mạc bằng phương pháp nội khoa không có hiệu quả.
+ Mức độ đau bụng khi hành kinh do lạc nội mạc gây ra ngày càng tăng.
+ U lạc nội mạc ở trên buồng trứng gây ra các mô sẹo gây ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
4. Hiệu quả đạt được sau khi phẫu thuật nội soi
Mặc dù đây là phương pháp phẫu thuật nội soi giúp giảm đau hiệu quả đối với bệnh nhân mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, tuy nhiên đây không phải là biện pháp hoàn hảo vì một số nghiên cứu cho thấy rằng: có đến 60 – 80% phụ nữ giảm đau trong những tháng đầu sau khi phẫu thuật, hơn 50% người có triệu chứng đau trở lại trong vòng 2 năm sau phẫu thuật và con số này gia tăng dần theo thời gian. Hơn nữa, phương pháp này còn gây ra một số biến chứng sau phẫu thuật ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân như phản ứng phụ của thuốc gây mê, chảy máu, nhiễm trùng tại vết mổ và tỷ lệ bệnh tái phát sau mổ cao….
Phẫu thuật nội soi được xem là một cách phổ biến để chẩn đoán và điều trị bệnh, tuy nhiên đây không phải là cách duy nhất, đối với một số trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị bệnh bằng liệu pháp hormone, dùng thuốc giảm đau, thuốc đồng vận…. Ngoài áp dụng các biện pháp bằng y học hiện đại thì hiện nay có nhiều bác sĩ và bệnh nhân cũng đang hướng tới sử dụng các biện pháp điều trị bệnh an toàn, hiệu quả hơn từ các loại thảo dược.