Với phụ nữ, các chu kỳ kinh nguyệt là dấu hiệu tốt cho khả năng sinh sản. Tuy nhiên, cơn đau bụng kinh lại luôn gây ra sự mệt mỏi, khó chịu. Không những vậy, chúng còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh phụ khoa nguy hiểm. Đó là những bệnh nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Đau bụng kinh cảnh báo 3 bệnh phụ khoa nào?
Đau bụng kinh thông thường chỉ là hiện tượng sinh lý của cơ thể nữ giới vào mỗi chu kỳ “đèn đỏ”. Lớp niêm mạc tử cung khi đến kỳ kinh nguyệt sẽ dày lên và bong ra, tạo thành máu kinh. Để đẩy máu kinh ra ngoài thì cơ tử cung phải co bóp và chất prostaglandin xuất hiện gây ra đau bụng kinh. Mức độ đau ở phụ nữ rất khác nhau: Có người chỉ đau âm ỉ, thoáng qua; nhưng một số chị em lại đau dữ dội đến mệt lả và kiệt sức.
Đau bụng kinh sẽ xuất hiện sau kỳ rụng trứng, hay gặp nhất ở phụ nữ dưới 25 tuổi, chưa kết hôn hay sinh con. Đây gọi là hiện tượng đau bụng kinh nguyên phát. Đau bụng kinh thứ phát là hiện tượng xảy ra ở những người mắc bệnh lý phụ khoa như cổ tử cung hẹp, dính khoang tử cung, u dưới niêm mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung.
U nang buồng trứng gây đau bụng kinh
Các bác sĩ cho hay, đau bụng kinh dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh u nang buồng trứng. Khi những u nang phát sinh trong buồng trứng và ngày càng lớn sẽ gây ra hiện tượng xoắn buồng trứng, xoắn ống dẫn trứng, gây tắc đường dẫn trứng.
Theo nhiều nghiên cứu, hầu hết những u nang phát sinh tại buồng trứng đều lành tính, không có khả năng đe dọa đến tính mạng bệnh nhân một cách trực tiếp. Tuy nhiên, nếu những u nang này không được phát hiện và chữa trị sớm, chúng sẽ gây khó khăn ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh sản của phụ nữ.
Bệnh viêm vùng chậu là nguyên nhân gây đau bụng kinh
Bệnh viêm vùng chậu là hiện tượng nhiễm trùng đường sinh dục nữ, thường gặp nhất do các bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra. Bệnh này nếu không được điều trị có thể gây ra tình trạng viêm mạn tính để lại sẹo, gây đau bụng kinh và vô sinh.
Bệnh viêm vùng chậu thường xảy ra với những người đã mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, từ đó tạo ra mô sẹo trong vùng chậu. Trong thời kỳ kinh nguyệt, hormon ảnh hưởng lớn đến tử cung và các cấu trúc xung quanh. Các mô sẹo đã hình thành có thể bị tăng triệu chứng viêm, chảy máu, gây cảm giác đau đớn. Kết luận này được đưa ra bởi nhóm bác sĩ gia đình tại Washington, DC.
Theo nhóm chuyên gia này, nếu được phát hiện sớm, bệnh viêm vùng chậu có thể điều trị bằng kháng sinh. Ngoài ra, người bệnh cũng nên quan hệ tình dục an toàn và đi kiểm tra thường xuyên đối với bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào, đặc biệt là khi bạn gặp phải cơn đau bụng nghiêm trọng.
Đau bụng kinh do lạc nội mạc tử cung
Đau bụng kinh cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung. Bệnh không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là vô sinh.
Các lớp nội mạc tử cung dày lên và bong ra khi đến kỳ kinh. Để đẩy những tế bào này ra ngoài cùng máu thì tử cung cần tiến hành co bóp. Nếu bạn bị lạc nội mạc tử cung, lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà di chuyển ra ngoài, di cư đến những chỗ khác trong cơ thể như bụng, bàng quang, thậm chí có thể đẩy ngược trở lại vào trong buồng trứng…. Những người bị lạc nội mạc tử cung thường có những cơn đau bụng dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt.