Tắc kinh là một dấu hiệu của hiện tượng kinh nguyệt không đều (hay còn gọi là rối loạn kinh nguyệt), cho thấy tình trạng sức khỏe sinh sản của chị em đang bị báo động. Vậy hiện tượng này có gây nguy hiểm không? Hãy tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau.
Tắc kinh là gì - Có phải do rối loạn kinh nguyệt không?
Kinh nguyệt vốn là hiện tượng sinh lý bình thường, là kết quả của sự thay đổi nội tiết trong buồng trứng ở nữ giới, khi trứng rụng không được thụ tinh sẽ hình thành kinh nguyệt, có tính chất định kỳ hàng tháng, biểu hiện là chảy máu ở ngoài âm đạo do bong niêm mạc tử cung.
Thông thường, vòng kinh của phụ nữ trong khoảng từ 28 – 32 ngày; thời gian có kinh từ 3 – 5 ngày/chu kỳ với lượng máu kinh bị mất đi khoảng 60ml.
Nếu chị em nào có hiện tượng kinh nguyệt ra quá ít, nhỏ giọt hoặc 2 -3 tháng vẫn chưa thấy kinh nguyệt xuất hiện trở lại thì nghĩa là đã bị tắc kinh – một trong những hiện tượng của kinh nguyệt không đều. Các dấu hiệu cho thấy kinh nguyệt không đều bao gồm chậm kinh, rong kinh, kinh sớm, chảy máu kinh quá nhiều…
Tắc kinh thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân tắc kinh ở nữ giới là do bị nhiễm khuẩn vùng kín, thần kinh căng thẳng, bị stress trầm trọng, bị rối loạn hormone sinh dục, thay đổi về thể trạng (gầy, béo phì) hoặc các bệnh như tim mạch, cao huyết áp, u xơ tử cung, u nang buồng trứng…
Ngoài ra, một số phụ nữ còn bị tắc kinh do thể trạng yếu, làm việc quá sức, stress trầm trọng, hút thuốc lá… Biểu hiện của hiện tượng tắc kinh là kinh ra quá ít, chỉ vài giọt hoặc 2 - 3 tháng mới có kinh lại; mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, sụt cân nhanh chóng; da xanh xao, nhợt nhạt, khô, nhịp tim đập chậm hơn, bị huyết áp thấp, suy giảm trí nhớ, buồn ngủ.