Đau bụng kinh được phân thành 2 loại, đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát. Trong đó, đau bụng kinh thứ phát thường gặp ở chị em đã qua tuổi dậy thì, bệnh thường do những nguyên nhân như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, cổ tử cung hẹp…. Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin về nguyên nhân dẫn đến đau bụng khi hành kinh để giúp chị em hiểu hơn về bệnh và sớm có các biện pháp phòng ngừa để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Một số nguyên nhân gây đau bụng kinh thứ phát
Lạc nội mạc tử cung: đây được xem là nguyên nhân chính gây đau bụng kinh thứ phát. Lạc nội mạc là tình trạng các mảnh niêm mạc vì một nguyên nhân nào đó mà đi lạc đến khoang bụng (buồng trứng, vòi trứng, ruột hoặc trong cơ tử cung…), tại vị trí đi lạc các mảnh niêm mạc vẫn chịu ảnh hưởng của nội tiết tố nữ nên vẫn phát triển và thoái triển theo chu kỳ kinh nguyệt, khi đến ngày hành kinh máu kinh không thoát ra được và gây ứ tắc, đau đớn khi hành kinh.
Viêm vùng chậu: tình trạng viêm nhiễm có thể bao gồm cả tử cung, ống dẫn trứng, sau đó có thể lan đến bên trong buồng trứng và các cấu trúc vùng chậu. Bệnh có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau lưng, ra khí hư bất thường, đau khi giao hợp….Nếu bệnh tái phát và bị mạn tính thì có thể gây ra tình trạng viêm dính của các cơ quan trong vùng chậu và gây đau bụng vào mỗi chu kỳ kinh.
Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu: là tình trạng căng đầy mạch máu trong khoang xương chậu gây ra hội chứng sung huyết vùng chậu, qua thăm khám kiểm tra bằng phương pháp nội soi ổ bụng thì có thể nhìn thấy tình trạng tĩnh mạch bị giãn ở bên khung xương chậu và các dây chằng bám dính vào tử cung.
Dị tật tử cung: là tình trạng khiếm khuyết dị tật tử cung như tử cung phát triển không hoàn chỉnh, tử cung kép, tử cung hai sừng, tử cung có sừng phụ, tử cung có vách ngăn dọc chia cổ tử cung và lòng tử cung làm hai nửa… và điều này làm cản trở sự cung ứng máu gây nên hiện tượng thiếu máu, thiếu oxi cho tử cung nên gây ra tình trạng đau bụng kinh vào mỗi chu kỳ. Hoặc trong thời gian hành kinh, máu kinh bị kẹt lại, ứ đọng trong sừng và gây ra tình trạng đau bụng khi hành kinh.
Màng trinh đóng kín tuyệt đối: là một dị tật thường thấy, do màng trinh bít kín ống âm đạo nên kinh nguyệt không thể thoát ra ngoài mà ứ đọng trong tử cung và có thể chảy ngược vào ổ bụng gây ra chứng đau bụng khi hành kinh và gây nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung cao.
U xơ tử cung: là những khối u tăng trưởng trong mô cơ tử cung, u xơ có thể dao động về số lượng và kích thước. Kích thước u xơ tử cung có thể tăng dần ở những phụ nữ trong thời gian mang thai và giảm kích thước khối u sau thời kỳ mãn kinh (do nội tiết tố nữ giảm). U xơ tử cung có thể gây đau bụng khi hành kinh, đau vùng chậu, cháy máu kinh nguyệt quá nhiều….
Ống cổ tử cung quá hẹp: điều này khiến cơ tử cung phải co bóp mạnh để tống máu kinh ra ngoài nên gây đau bụng khi hành kinh.