Đau bụng kinh là dấu hiệu thường gặp ở phụ nữ vào mỗi kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, một số chị em lại gặp phải tình trạng buồn nôn trong giai đoạn này. Vậy đau bụng kinh buồn nôn là do đâu?. Cần phải làm gì để cải thiện tình trạng này? Hãy cũng theo dõi bài viết dưới đây để tìm được câu trả lời.
Các dấu hiệu đau bụng kinh buồn nôn
Đau bụng kinh kèm theo hiện tượng buồn nôn thường xảy ra ở những đối tượng như: Người thân bị đau bụng kinh, nữ giới chưa sinh con, nữ giới dưới 30 tuổi, dậy thì sớm, người có thể trạng yếu, nghiện rượu và hút thuốc lá, bị băng huyết hoặc rong kinh. Một số triệu chứng của đau bụng kinh buồn nôn mà bạn cần lưu ý đó là:
- Cơn đau bụng xảy ra ở vùng bụng dưới.
- Đau bụng thường bắt đầu khi máu kinh xuất hiện và kéo dài khoảng 3 ngày hành kinh.
- Đau bụng có thể đi kèm với triệu chứng đau đùi, đau lưng.
- Nhức đầu, chóng mặt.
- Có hiện tượng tiêu chảy.
- Dạ dày trở nên khó chịu.
- Buồn nôn và nôn.
- Mệt mỏi, khó ngủ.
- Thiếu tập trung.
Bên cạnh đó, một số trường hợp đau bụng kinh kèm theo các bệnh phụ khoa còn có những biểu hiện khác như:
- Đau vùng bụng dưới kéo dài, mức độ nghiêm trọng hơn.
- Đau kèm theo hiện tượng vã mồ hôi.
- Người rã rời và ngất xỉu
- Chóng mặt.
- Ngứa vùng kín.
- Máu kinh có màu khác thường, kèm theo mùi hôi khó chịu.
- Buồn nôn và nôn liên tục.
- Người sốt, ớn lạnh.
Nguyên nhân gây đau bụng kinh buồn nôn
Có tới 80% nữ giới thấy xuất hiện các triệu chứng đau bụng kinh khi đến ngày đèn đỏ. Tùy thuộc vào cơ địa từng người mà mức độ đau khác nhau, có người chỉ đau âm ỉ nhưng một số người phải chịu đựng những cơn đau bụng dữ dội. Các biểu hiện kèm theo như: Mệt mỏi, đau đầu, đau ngực, căng thẳng, buồn nôn và nôn.
Có nhiều yếu tố gây nên tình trạng này, cụ thể đó là:
- Tử cung co thắt quá mạnh hoặc do vị trí tử cung không bình thường, thường bị lệch về phía sau hoặc phía trước, ống tử cung hẹp khiến máu kinh lưu thông chậm, các cơ tử cung co bóp mạnh để đẩy máu kinh ra ngoài dẫn tới đau bụng kinh.
- Do di truyền: Gia đình có bà hoặc mẹ bị đau bụng kinh thì bạn cũng tiềm ẩn nguy cơ bị đau bụng kinh rất cao.
- Sự giảm progesteron và estrogen một cách đột ngột trong ngày đầu của kỳ kinh cũng là nguyên nhân gây đau bụng kinh.
- Tâm lý không thoải mái, stress, căng thẳng, sử dụng đồ ăn lạnh gần những ngày tới chu kỳ kinh nguyệt khiến đau bụng kinh “ghé thăm” bạn.
- Cơ thể yếu, bị trúng gió hoặc gặp các hóa chất công nghiệp như xăng dầu khiến bạn bị đau bụng kinh và buồn nôn.
- Cơ thể bị mắc một số bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu,… hay đặt vòng tránh thai dẫn tới đau bụng kinh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng này đó là do khí huyết kém lưu thông, hệ miễn dịch bị suy giảm và tăng gốc tự do.
Các phương pháp cải thiện đau bụng kinh kèm buồn nôn
Đau bụng kinh kèm theo buồn nôn dù ở mức độ nặng hay nhẹ đều ảnh hưởng nhất định tới sinh hoạt và sức khỏe của nữ giới. Chính vì vậy, dưới đây là một số cách giảm đau đơn giản để giúp chị em cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
- Trà gừng: Có tác dụng làm giảm đau bụng kinh và buồn nôn hiệu quả. Bạn có thể dùng gừng thái lát hoặc nước ấm để chườm bụng dưới - đây là biện pháp chữa đau bụng kinh nguyệt đơn giản, hiệu quả cao.
- Massage nhẹ nhàng bụng dưới giúp cải thiện tình trạng đau bụng kinh.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Một số bộ môn thể dục phù hợp như: Đi bộ, yoga,… rất thích hợp cho chị em khi bị đau bụng kinh.
- Cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, lưu ý không nên thụt rửa âm đạo quá sâu. Nên thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần.
- Chế độ ăn uống hàng ngày: Chế độ ăn có thể khiến tình trạng đau bụng kinh của bạn trở nên dữ dội hoặc ngược lại. Vì vậy, chị em nên có chế độ ăn uống phù hợp để giảm đau hiệu quả, kiêng ăn đồ lạnh như: Kem, dưa, cà tím, rong biển, măng tre, cam, lê, bưởi, dưa hấu, đồ ăn chua, đồ ăn cay nóng,… Tốt nhất nên ăn những thực phẩm như: Sữa, sữa chua, các loại thực phẩm màu xanh nhạt, nấm, quả óc chó,...
- Giữ tinh thần luôn được thoải mái, tránh căng thẳng, stress.