Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung. Phương pháp nội khoa như dùng thuốc giảm đau, thuốc tránh thai nội tiết được áp dụng đối với trường hợp nhẹ và vừa. Và điều trị bằng phương pháp ngoại khoa (phẫu thuật nội soi, cắt bỏ tử cung) được áp dụng đối với các trường hợp lạc nội mạc bị viêm dính nặng ở buồng trứng, vòi trứng, co kéo cấu trúc tử cung…
Điều trị ngoại khoa lạc nội mạc tử cung
1. Phẫu thuật: là phương pháp loại bỏ các mảnh cấy ghép lạc nội mạc tử cung trong vùng chậu, bảo toàn khả năng sinh sản ở chị em bị lạc nội mạc mức độ nặng.
+ Phẫu thuật nội soi: là phương pháp phổ biến nhất được nhiều bệnh nhân lựa chọn trong điều trị lạc nội mạc tử cung. Với một vết rạch nhỏ ở gần rốn và trên xương mu, bác sĩ sẽ luồn một dụng cụ gọi là ống nội soi vào bên trong bụng và xương chậu (đây là một ống hẹp được trang bị nguồn ánh sáng sợi quang và một máy ảnh sẽ chuyển tiếp những hình ảnh bên trong lên trên một màn hình tivi). Sau đó một đầu dò được đưa vào ở vết mổ thứ 2, cho phép các bác sĩ xem trực tiếp trên bề mặt bên ngoài của tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng. Thêm một hoặc hai vết rạch nhỏ khác để đưa dụng cụ phẫu thuật hoặc các thiết bị để tiêu diệt, loại bỏ các mảnh cấy nghép lạc nội mạc, các mô sẹo để loại bỏ bằng cách cắt bỏ (phẫu thuật cắt bỏ), hay sử dụng tia nhiệt (có thể sử dụng điện nhiệt, tia laser, chùm khí heli).
+ Phẫu thuật mở bụng: là phương pháp được thực hiện nếu lạc nội mạc ở mức độ viêm dính lan rộng. Bác sĩ sẽ thực hiện với một vết mổ rộng để kiểm tra ở các cơ quan bị ảnh hưởng và loại bỏ các mô nội mạc tử cung đi lạc, tuy nhiên thời gian hồi phục cho phương pháp này rất lâu, thường là vài tháng.
Biến chứng: cả hai phương pháp phẫu thuật này đòi hỏi phải gây mê toàn thân nên một số bệnh nhân sẽ gặp một số phản ứng phụ của thuốc gây mê, chảy máu, nhiễm trùng tại vết mổ và tỷ lệ tái phát sau mổ cao….
2. Cắt bỏ tử cung: là phương pháp cắt bỏ bán phần hay toàn phần tử cung kể cả buồng trứng thông qua một vết mổ trên bụng hoặc một vết rạch ở âm đạo. Thủ thuật này giúp giảm đáng kể khả năng bệnh lạc nội mạc tái phát, và phương pháp này chỉ được áp dụng ở những bệnh nhân không còn nhu cầu sinh con.
+ Cắt bỏ tử cung bán phần: là thủ thuật cắt bỏ tử cung gần như hoàn toàn nhưng cổ tử cung vẫn còn giữ nguyên vẹn. Tuy nhiên, bệnh lạc nội mạc vẫn có nguy cơ tái phát như phương pháp phẫu thuật bảo tồn.
+ Cắt bỏ toàn phần: là cắt bỏ cả tử cung, buồng trứng, vòi trứng. Đây là phương pháp tiềm năng duy nhất để điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung nhưng chỉ có hiệu quả trong trường hợp lạc nội mạc không phát triển ra bên ngoài tử cung (như tại các vị trí khác như trực tràng, bàng quang…).
Biến chứng: buồng trứng là nguồn sản xuất estrogen nên sau khi cắt bỏ cả tử cung, buồng trứng dẫn đến lượng estrogen thiếu hụt và nếu không được bổ sung đầy đủ thì phụ nữ có thể xuất hiện các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh và tình trạng này diễn ra trầm trọng hơn như nóng bừng mặt, khô âm đạo, mất ngủ, tăng cân…