Mục tiêu điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung (LNMTC) ở tuổi vị thành niên bao gồm kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và bảo tổn khả năng sinh sản. Và theo hiệp hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên điều trị bệnh theo từng bước đối với lứa tuổi vị thành niên. Vậy các phương pháp điều trị bệnh LNMTC ở tuổi vị thành niên hiện nay là gì?
Các phương pháp điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung ở tuổi vị thành niên
1. Phương pháp nội khoa
- Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid: như mefenamic… giúp cắt cơn đau nhanh chóng.
- Thuốc ngừa thai dạng phối hợp: có thể được xem là sự lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung ở lứa tuổi vị thành niên. Thuốc có tác dụng làm mỏng nội mạc tử cung, giảm lượng prostaglandin, ức chế phóng noãn và các triệu chứng của LNMTC trong pha hoàng thể. Và theo nhiều nhà nghiên cứu thì đây được xem là biện pháp điều trị lạc nội mạc tử cung an toàn và hiệu quả ở tuổi vị thành niên.
- Danazol: làm giảm nồng độ nội tiết tố từ đó làm giảm hàm lượng estrogen trong buồng trứng, sự thay đổi nồng độ nội tiết này ngăn không cho trứng rụng hoặc làm biến mất tạm thời chu kỳ kinh nguyệt. Từ đó, giúp giảm các triệu chứng đau bụng kinh do LNMTC gây ra, tuy nhiên đối với loại thuốc này một số chuyên gia khuyến cao không nên sử dụng bởi ở tuổi vị thành niên có thể gặp một số phản ứng phụ như tăng cân, phù, kinh nguyệt bất thường, giọng nói trầm không thể phục hồi…
2. Phương pháp điều trị ngoại khoa
Các phương pháp điều trị ngoại khoa lạc nội mạc tử cung như đốt điện, laser, cắt bỏ… nhằm loại bỏ các tổn thương, giúp giảm đau bụng khi hành kinh, và cách này chỉ được áp dụng khi điều trị nội khoa trong một thời gian dài không đáp ứng. Mặc dù phương pháp này giúp loại bỏ khối LNMTC và giúp giảm đau bụng khi hành kinh, tuy nhiên có nhiều ý kiến trái chiều về việc điều trị phẫu thuật ở lứa tuổi này và cần có nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá hiệu quả và tính an toàn.