Nga truật là thân rễ phơi khô của cây Ngải tím Curcuma Zedoaria Rosc. Thuộc họ Gừng ( Zingiberaceae), dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách " Dược tính bản thảo", còn gọi là Ngãi tím, Tam nại, Bồng truật, Nghệ đen.
Cây Ngãi tím mọc hoang và được trồng ở Việt nam để làm thuốc. Cây mọc nhiều ở Trung quốc, Đai loan, Xrilanca và nhiều vùng nhiệt đới khác.
Nga truật tính ôn, vị cay đắng; qui kinh Can Tỳ.
Theo các Y văn cổ:
- Sách Khai bảo bản thảo: " Vị đắng cay, ôn không độc".
- Sách Y học khởi nguyên: "Vị khổ bình".
- Sách Lôi công bào chế dược tính giải: " nhập phế tỳ".
- Sách Bản thảo hội ngôn: " nhập túc quyết âm can".
Thành phần chủ yếu:
Trong Nga truật có chừng 1,0 - 1,5% tinh dầu, 3,5% chất nhựa và chất nhày. Trong tinh dầu, thành phần chủ yếu có 48% secquitecpen 35%, zingiberen 9,6% và một chất có tinh thể.
Tác dụng dược lý:
A.Theo Y học cổ truyền:
Thuốc có tác dụng phá huyết khu ứ, hành khí chỉ thống. Trị các chứng kinh bế đau bụng, trưng hà tích tụ, bụng đau đầy.
Trích lược Y văn cổ:
- Sách Dược tính bản thảo: " trị nữ tử huyết khí tâm thống, phá huyền ( nổi hạch), tích ( bụng báng), lãnh khí dùng rượu giấm mài uống".
- Sách Khai bảo bản thảo: " chủ tâm phúc thống, trùng ác chú ngỗ ( trúng phải khí độc mệt mỏi khó chịu), hoắc loạn, cảm lạnh nôn nước chua, để giải độc, ăn uống không tiêu, uống với rượu ( thuốc tán).
- Sách Bản thảo kinh sơ: " Nga truật hành khí phá huyết tán kết, nếu phụ nhân, trẻ em khí huyết hư, tỳ vị vốn hư nhược mà không có tích trệ mà uống thì hại chân khí mà ăn càng không tiêu, tỳ vị càng hư; nếu có khí huyết ngưng kết, ăn uống tích trệ nên cùng dùng với thuốc kiện tỳ khai vị bổ ích nguyên khí thì không tổn hại".
B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Dầu Nga truật có tác dụng phá hoại và ức chế tế bào ung thư gan. Nước sắc Nga truật làm tăng sự hấp thu máu và huyết cục trong bụng thỏ thực nghiệm, có tác dụng kháng khuẩn, kiện vị và chống có thai sớm.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị tắt kinh, đau bụng kinh: dùng bài:
- Nga thủy tán: Nga truật 6g, Xuyên khung 5g, Thục địa 10g, Bạch thược, Bạch chỉ đều 10g. Tán bột mịn, mỗi lần uống 10g, ngày 3 lần, với nước muối nhạt.
2.Trị đau hạ sườn: dùng bài:
- Kim linh tả can thang: Kim linh tử 15g, Nhũ hương, Một dược, Tam lăng, Nga truật đều 5g sắc nước uống.
3.Trị chấn thương gãy xương: Nga truật, Điền thất (tán hòa thuốc uống), Đài ô dược, Đào nhân đều 6g, Thổ miết giáp, Tam lăng, Uy linh tiên, Xích thược, Cốt toái bổ, Tục đoạn, Hồng hoa, Trạch lan đều 3g, Sanh địa 10g, Qui vĩ 12g. Dùng nước, rượu mỗi thứ một nửa sắc uống.
4.Trẻ em rối loạn tiêu hóa đau bụng: dùng bài Nga truật hoàn: Nga truật, Tam lăng đều 5g, Trần bì 10g, Chế Hương phụ 6g, La bạc tử 5g, Sa nhân 3g, Thanh bì, Chỉ thực đều 6g, Hồ hoàng liên, Lô hội đều 3g, Hồ tiêu 5g. Tất cả tán bột mịn trộn đều hồ hoàn, mỗi lần uống 3 - 6g, ngày 2 lần, uống với rượu gạo ấm, kiêng các thức ăn sống lạnh.
Tóm lại kinh nghiệm dùng Nga truật trên lâm sàng là:
+ Tác dụng phá huyết hoạt huyết của Nga truật mạnh như Tam lăng nên thường dùng trong những trường hợp khí trệ huyết ứ lâu ngày nặng.
+ Nếu huyết ứ làm tắt mạch Xung Nhâm gây tắt kinh đau bụng nên phối hợp với Tam lăng, Xuyên khung, Ngưu tất.
+ Đối với chứng trưng tích lâu ngày nên phối hợp với các thuốc nhuyễn kiên, tiêu trưng như Miết giáp, Đan sâm, Tam lăng.
+ Trường hợp thực tích khí trệ đau bụng nên kết hợp với Tam lăng, Mộc hương, Chỉ thực.
+ Trường hợp tỳ hư tích trệ bụng đau nên kết hợp với thuốc kiện tỳ như Đảng sâm, Bạch truật.
5.Trị bệnh mạch vành: dùng thuốc chích Nga Lăng Phức phương ( mỗi ống 2ml tương đương với Nga truật, Tam lăng, An diệp, Hương phụ, Giáng hương đều 2g) chích bắp, mỗi lần 1 ống ngày 2 lần, mỗi liệu trình 14 ngày, bệnh nhân phần lớn đều được điều trị trong 2 liệu trình, thấy tỷ lệ có kết quả là 82,8%, có kết quả điện tâm đồ là 66,7% ( Báo cáo điều trị 35 ca bệnh mạch vành của Từ tế Dân, Thông tin Trung thảo dược 1979,8:27).
6.Trị viêm da thần kinh: dùng phức phương Nga truật ( Tam lăng Nga truật ) chế thành thuốc chích, chích bắp hoặc chích huyệt Khúc trì, Huyết hải trị 48 ca, khỏi 21 ca, cơ bản khỏi 9 ca, tiến bộ 9 ca, không kết quả 9 ca. Tỷ lệ khỏi 62%, tỷ lệ có kết quả 81,25% ( Bản thông tin nghiên cứu phòng trị bệnh ngoài da 1979, 3:152).
7.Trị bệnh tâm thần ( chứng huyết ứ bao gồm các bệnh tâm thần phân liệt, lão hóa sớm, bệnh tâm thần thể cuồng):
- Dùng Nga truật, Xích thược, Đại hoàng theo tỷ lệ 10:3:3 chế thành viên ( mỗi viên có 8g thuốc sống), mỗi lần uống 6 - 8 viên, ngày 3 lần, 30 ngày là một liệu trình. Đã trị 71 ca, tỷ lệ có kết quả 59,1% ( Tạp chí kết hợp Trung tây y 1988,10:638)
8.Trị bệnh phổi có hội chứng huyết ứ mạn tính: như chất lưỡi tím, tĩnh mạch dưới lưỡi ứ huyết, bao gồm các bệnh suyễn, viêm phế quản mạn 37 ca. Kết quả tốt 16 ca, có kết quả 16 ca, không kết quả 5 ca, tỷ lệ kết quả 86,6% ( Trần hiếu Bá, Tạp chí Trung y 1983,4:74).
Có một số báo cáo dùng phức phương trị các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư thực quản .có kết quả.
Liều dùng và chú ý:
Thuốc uống dùng từ 3 - 10g. Dùng giấm chế có tác dụng tăng hiệu lực giảm đau.
Không nên dùng cho phụ nữ có thai và kinh nguyệt ra nhiều.