Chào bạn.
Tiểu ra máu là hiện tượng có nhiều hồng cầu hơn bình thường trong nước tiểu. Tiểu ra máu có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Nếu nghi tiểu ra máu phải soi kính hiển vi mới xác định được.
Người bệnh có thể tự thấy được nước tiểu màu đỏ khi mình tiểu ra máu. Song cần loại trừ một vài trường hợp nước tiểu cũng đỏ nhưng không có hồng cầu, đó là bệnh tiểu ra huyết sắc tố, tiểu ra porphyrin hoặc uống các thuốc sunfamit, pyramidon, đại tràng, phenolphtalein, thuốc chống lao rifampicin... Muốn phân biệt chính xác, cần phải làm xét nghiệm sinh hóa nước tiểu. Ngoài ra cũng cần loại trừ ở phụ nữ có kinh nguyệt mà nhầm là tiểu ra máu.
Màu nước tiểu trở nên bất thường có thể do thay đổi lối sống. Nhưng nếu thấy có máu trong nước tiểu thì hãy đi khám vì đó là dấu hiệu của bệnh, rất nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng.
Tiểu ra máu nếu kèm theo đau hoặc tiểu nhiều lần, có thể chỉ đơn giản là nhiễm trùng đường tiết niệu khởi nguồn từ thận hoặc từ bàng quang. Khi đó, có thể dùng kháng sinh theo đơn của bác sĩ để điều trị nhiễm trùng. Nếu đau ở vùng xương mu, ở hai bên hố chậu hoặc vùng thắt lưng thì có thể bị sỏi tiết niệu như ở bàng quang, niệu quản hoặc thận. Những sỏi nhỏ có thể tự đào thải; hoặc được bác sĩ lấy qua đường niệu đạo. Với những sỏi lớn hơn ở thận, có thể phải phẫu thuật để lấy sỏi hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
Tiểu ra máu cũng có thể do viêm thận mạn tính, xuất phát từ nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị, sỏi đường tiết niệu, do các chất độc hoặc dùng một số thuốc kéo dài. Viêm thận mạn tính có thể dẫn đến suy thận.
Màu nước tiểu bất thường không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng. Một số thực phẩm có thể tạm thời khiến nước tiểu có màu hồng, màu nâu. Việc dùng một số thuốc Đông y như cây đại hoàng, lá cây muồng... có thể làm cho nước tiểu có màu vàng sẫm. Bất thường về màu của nước tiểu sẽ mất đi khi ngừng sử dụng các thuốc trên. Những hôm thời tiết nắng nóng, nước tiểu có thể bị cô đặc và có màu vàng sẫm. Đó cũng là dấu hiệu bạn cần phải uống thêm nhiều nước. Để tìm hiểu chính xác nguyên nhân bệnh, vợ bạn nên đi khám chuyên khoa thận – tiết niệu để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Về băn khoăn của bạn về hiện tượng vợ bạn bị đau bụng sau khi quan hệ tình dục, các biểu hiện như đau rát vùng âm đạo, đau bụng dưới… khi quan hệ tình dục và hay mắc tiểu, tiểu buốt… là những dấu hiệu bất thường, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Do vậy, trước tiên bạn cần thay đổi các tư thế quan hệ tình dục để lựa chọn được những tư thế phù hợp, thoải mái, không gây đau cho vợ bạn. Sau đó vợ bạn cần đi khám phụ khoa để kiểm tra có viêm nhiễm ở đường sinh dục - tiết niệu hay không. Nếu bạn đã loại trừ được các yếu tố viêm nhiễm đường sinh dục - tiết niệu và thực hiện các tư thế quan hệ tình dục phù hợp mà vẫn thấy đau khi quan hệ thì bạn chú ý tiếp tới các yếu tố như: trạng thái tâm lý của bạn khi quan hệ tình dục có thoải mái không, bạn có hưng phấn tình dục để âm đạo giãn nở trước khi có sự xâm nhập của dương vật… hay không.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe, hạnh phúc!
Chuyên gia sản phụ khoa.