Em năm nay 23 tuổi, có kinh nguyệt đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, cứ mỗi khi đến kì kinh nguyệt là em có hiện tượng tiêu chảy và rất đau bụng, đại tiện bất thường. Tình trạng này thậm chí kéo dài cho tới khi hết kinh nguyệt mới thôi. Em đã đi khám thì được bác sĩ nói là bình thường, đó là biểu hiện rất phổ biến của nhiều chị em trong ngày “đèn đỏ”. Ngoài tình trạng đi tiêu bất thường, có những người còn mắc những chứng bệnh khác mà sau đó sẽ tự biến mất khi chu kì kinh nguyệt kết thúc.
Vậy bác sĩ cho em, trường hợp của em được coi là mắc bệnh gì trong kì kinh nguyệt? Và ngoài bệnh này thì chị em có thể mắc phải những bệnh nào nữa? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn!
Chào bạn.
Thời gian có “đèn đỏ” là những ngày khá nhạy cảm của nhiều chị em. Trong những ngày này, sự thay đổi hormone khiến cho cơ thể chị em khá nhạy cảm và dễ gặp nhiều bệnh. Những bệnh này có thể có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của chị em nhưng trong nhiều trường hợp, bệnh sẽ tự hết khi chu kì kinh nguyệt kết thúc.
Chị em có thể gặp phải một số bệnh phổ biến trong kì kinh nguyệt như đau mắt, đau đầu, căng thẳng thần kinh, sưng vú, rối loạn tiêu hóa… Ảnh minh họa
Nếu bạn gặp tình trạng đi tiêu bất thường trong những ngày có kinh nguyệt và tình trạng này cũng hết khi hết kinh thì bạn cũng không nên lo lắng quá. Vì như bác sĩ đã khám cho bạn nói thì đó là một trong số những bệnh phổ biến chị em có thể gặp trong ngày “đèn đỏ”. Trường hợp của bạn được coi là rối loạn hệ tiêu hóa trong kì kinh nguyệt. Các triệu chứng khi bị rối loạn hệ tiêu hóa có thể bao gồm như tiêu chảy, táo bón, ăn không tiêu và có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi kì kinh nguyệt kết thúc. Mặc dù nó không quá nguy hiểm nhưng tình trạng này có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến hoat động sống hàng ngày của chị em.
Chính vì vậy, trong thời gian nhạy cảm này bạn nên chú ý đến chế độ ăn uống sao cho đảm bảo cân bằng, đủ chất và phù hợp với thể trạng cơ thể. Bạn cũng nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, thực phẩm nhiều chất xơ, uống nhiều nước để đường ruột hoạt động trơn tru, hạn chế táo bón. Cần tránh những thực phẩm dễ gây tiêu chảy như thức ăn không có nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm đã hết thời hạn sử dụng, thực phẩm có vị chua,… và hạn chế các chất kích thích, các thực phẩm có tính cay, nóng…
Ngoài ra, chị em có thể gặp phải một số bệnh phổ biến khác trong những ngày “đèn đỏ” như đau mắt do hệ thần kinh thực vật và thần kinh thị giác bị ảnh hưởng vì rối loạn estrogen, đau đầu do thiếu máu, căng thẳng thần kinh, sưng vú…
Bạn nên nắm được những sự thay đổi của cơ thể trong những ngày này để có biện pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mình. Nếu thấy tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài liên tục, thậm chí xuất hiện ngay cả trong những ngày không có kinh nguyệt thì bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.
Chúc bạn sức khỏe.
Chuyên gia sản phụ khoa.