Chào bạn.
Đau bụng kinh (thống kinh) là hiện tượng đau bụng dưới lúc sắp thấy kinh, trong khi hành kinh hoặc sau khi đã sạch kinh vài ngày. Cơn đau có thể lan lên xương ức hoặc xuống đùi, có khi đau khắp bụng, kèm theo các triệu chứng như: đau đầu, căng vú, buồn nôn, mệt mỏi,…
Đau bụng kinh được chia làm 2 loại:
- Đau bụng kinh cơ năng (đau bụng kinh sinh lý): Đau bụng kinh cơ năng thường xảy ra ở bạn gái độ tuổi vị thành niên, sau kỳ hành kinh đầu tiên khoảng 6-12 tháng, khi các vòng kinh có phóng noãn (rụng trứng) đã đều đặn. Đau bụng kinh cơ năng có tính chất lặp lại, không phát hiện tổn thương bệnh lý, thường giảm bớt khi lập gia đình hoặc sinh con.
- Đau bụng kinh thực thể (đau bụng kinh bệnh lý) do bị mắc bệnh phụ khoa, yếu tố nội tiết hoặc các bệnh lý khác có liên quan đến chu kỳ kinh.
Hiện nay, nguyên nhân dẫn tới những cơn đau bụng kinh vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, chứng bệnh này có thể liên quan tới nhiều yếu tố như: cổ tử cung, nội tiết, thần kinh và tâm lý. Trong đó, yếu tố nội tiết được chú ý nhất, bởi vì trong những “ngày đèn đỏ”, niêm mạc tử cung sẽ tiết ra prostaglandin – chất gây co thắt tử cung dẫn tới đau bụng kinh.
Đau bụng kinh sinh lý ít gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, công việc của chị em, thậm chí nhiều người phải nghỉ học, nghỉ làm vì những cơn đau dữ dội.
Ngoài đau bụng kinh cơ năng do sinh lý, một tỷ lệ không nhỏ đau bụng kinh gây nên bởi một số bệnh lý phụ khoa nào đó như u xơ ở eo tử cung, viêm dính tử cung, lạc nội mạc tử cung,…Trong đó, lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân bệnh lý phổ biến và rõ nét nhất gây đau bụng kinh.
Các bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lên chức năng sinh sản của phụ nữ. Do vậy với triệu trứng đau bụng kinh kéo dài các chu kì kinh nguyệt bạn cần thăm khám sớm để phát hiện nguyên nhân cũng như có hướng điều trị kịp thời.
Chuyên gia sản phụ khoa.