Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem lạc nội mạc tử cung là gì.
Lạc nội mạc tử cung là gì?
Thông thường, khi chu kỳ kinh nguyệt đến là lúc các lớp niêm mạc tử cung dày lên và bong ra, gây hiện tượng chảy máu kinh nguyệt, đồng thời đẩy các lớp niêm mạc này ra ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các mảnh nội mạc tử cung di chuyển ngược vào trong ổ bụng, đến những vị trí khác như buồng trứng, ống dẫn trứng và tiếp tục phát triển, dẫn đến hiện tượng đau bụng kinh dữ dội, ra máu kinh ồ ạt và kéo dài nhiều ngày. Hiện tượng này được gọi là lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung xảy ra phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (25 – 45 tuổi). Theo một số nghiên cứu, những người mà nồng độ hormone estrogen cao thì có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung. Những chị em quan hệ tình dục trong ngày “đèn đỏ” cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ sau sinh mổ cũng có thể bị lạc nội mạc tử cung do ảnh hưởng từ quá trình phẫu thuật.
Bị lạc nội mạc tử cung sau khi sinh nên làm gì?
Khi bị lạc nội mạc tử cung sau khi sinh con, chuyên gia có thể chỉ định các loại thuốc chống viêm, giảm đau hoặc dùng liệu pháp hormone gây mất kinh. Những biện pháp này chủ yếu nhằm cải thiện các triệu chứng khó chịu của bệnh. Tuy nhiên, bạn có thể gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc như buồn nôn, nhức đầu, căng ngực, tăng cân, thay đổi tâm trạng,…
Những người đã dùng thuốc mà không cải thiện được triệu chứng hoặc có khối u quá to sẽ được chỉ định phẫu thuật để bóc tách u lạc nội mạc tử cung. Nếu không còn nhu cầu sinh con nữa thì có thể sẽ được chỉ định cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, biện pháp này được cho là quá nặng nề nên bạn hãy cân nhắc và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định.